NÚI THẦN TÀI – ĐIỂM ĐẾN MAY MẮN VÀ THÚ VỊ
Núi Thần Tài làm “xiêu lòng” du khách nhờ không gian được bao phủ một màu xanh mát cùng những cung đường đầy màu sắc rực rỡ giữa núi đồi. Nơi đây,dù đã được khai thác và cải tạo nhưng vẫn còn giữ nguyên vẻ đẹp hoang sơ ban đầu. Tản bộ dưới những tán cây xanh rì, ngắm hoa thơm quả ngọt trĩu cành mời mọc, xa xa là những chiếc cầu nhỏ vắt ngang con suối chảy róc rách, tất cả tạo nên một bức tranh núi rừng nên thơ và sinh động.
Đến đây nhiều du khách không còn xa lạ trước hình ảnh những con rồng uốn khúc, cóc ngậm đồng tiền hay rùa vàng… Đây là những linh vật quý được xây dựng nhằm mang đến sự may mắn, bình an. Đặc biệt, những cái tên nhưng tượng Long Quy, Thiềm Thừ Tài Lộc… luôn chứa đựng cái tâm và cái tình của người sáng lập Núi Thần Tài dành cho du khách.
SUỐI KHOÁNG NÓNG – LỘC TỪ NÚI THẦN TÀI
Suối khoáng nóng tại Núi Thần Tài được khởi nguồn từ đỉnh thiêng Bà Nà và được bao bọc hai bên bởi đồi Thanh Long, đồi Bạch Hổ và phát lộ tại long huyệt thôn Phú Túc. Suối khoáng nóng được tìm thấy như một cơ duyên cho thành phố Đà Nẵng tại thời điểm mà những sản phẩm du lịch sông, núi, biển đã được phát triển và trở nên phổ biến.
Dịch vụ nghỉ dưỡng suối khoáng nóng ở Công viên Suối khoáng nóng Núi Thần Tài được xem là một sản phẩm khác biệt mang lại những trải nghiệm thú vị và góp phần tái tạo năng lượng, bổ sung khoáng chất. Chính vì thế, bạn không còn phải lo lắng vì làn da khô sau khi ngâm mình trong làn nước biển, ngược lại, bạn sẽ cảm nhận được sự tươi trẻ, “thanh mát” bởi những khoáng chất cần thiết cho cả làn da và cơ thể đã được bổ sung qua làn nước khoáng nóng tự nhiên.
CHIÊM NGƯỠNG CẦU VÀNG – ĐÔI BÀN TAY KHỔNG LỒ TRÊN VÙNG ĐẤT THIÊNG
Cầu Vàng được lấy cảm hứng từ không gian kỳ ảo với mây trời. Đây là công trình mới ở vườn Thiên Thai, thuộc khu
du lịch Bà Nà Hills, nằm ở giữa lưng chừng mây với chiều dài gần 150m, cao hơn 1.400m so với mặt nước biển. Mặt cầu được hoàn thiện bằng gỗ kiềng dày, lan can được mạ vàng sang trọng, khiến cây cầu trở nên rực rỡ dưới ánh nắng mặt trời. Cây Cầu Vàng đã tạo nên một lối đi giữa không trung, giữa khung ảnh mờ sương như chốn bồng lai tiên cảnh của núi Bà Nà. Từ cây cầu Vàng, có thể ngắm nhìn toàn cảnh thành phố Đà Nẵng, cảnh tượng trước mắt dễ khiến du khách choáng ngợp bởi sự kỳ vĩ của những cánh rừng nguyên sinh trên mãnh đất thiêng này.
CẦU AN Ở ĐỀN BÀ CHÚA THƯỢNG NGÀN
Tọa lạc ở nơi cao nhất của núi Chúa với độ cao 1.487m so với mặt biển, Lĩnh Chúa Linh Từ (hay còn được gọi là đền Bà Chúa Thượng Ngàn) là nơi trời đất giao hòa, âm dương hội tụ thích hợp cho những chuyến hành hương tâm linh về Bà Nà đại ngàn. Đây là nơi tôn thờ bà chúa linh thiêng của cả vùng núi Bà Nà: Mẫu Thượng Ngàn, còn gọi là Mẫu Đệ Nhị cai quản miền rừng núi. Mẫu Thượng Ngàn gắn bó với con người cùng cỏ, cây, chim, thú. Khách thập phương lên với đền thờ Mẫu Thượng Ngàn sẽ luôn cảm thấy cảnh vật thanh bình, tâm hồn thư thái. Mọi ưu phiền đều được trút bỏ hết.
VÃNG CẢNH CHÙA LINH ỨNG BÀ NÀ
Nằm trên đỉnh Bà Nà, nơi được xem là thiên đường nghỉ mát của miền Trung, chùa Linh Ứng Bà Nà mang một dáng vẻ hoàn toàn khác biệt so với hai người anh em còn lại của mình. Không uy nghi sừng sững như chùa Linh Ứng Bãi Bụt hay trầm mặc, cổ kính như chùa Linh Ứng Non Nước, vẻ đẹp của chùa Linh Ứng Bà Nà chính là vẻ đẹp của sự giao thoa. Đó chính là sự giao thoa của trời đất, sự giao thoa của quá khứ, hiện tại và vị lai, đồng thời đó cũng là sự giao thoa hoàn hảo giữa con người và thiên nhiên.
Cách chùa Linh Ứng Bà Nà không xa là tượng Đức Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni cao 27m, thiền định trên tòa sen. Tượng được chạm khắc tinh tế, bên dưới là 8 bức phù điêu, tái hiện cuộc đời của Đức Phật Thích ca, người sáng lập ra đạo Phật. Vào những ngày nắng ráo, từ TP Đà Nẵng nhìn lên Bà Nà bạn có thể thấy tượng Đức Phật sừng sững giữa màu xanh hùng vĩ của những cánh rừng nguyên sinh.